Một buổi chiều la cà Phú Yên thì đi đâu? [Tập 1]
- Vi Thị Mới
- Jan 21, 2022
- 6 min read
Updated: Dec 4, 2022
Tháp Nghinh Phong – Chùa Thanh Lương – Bãi Xép – Tháp Nhạn – Trại Hoa Vàng Cafe.
Theo chân chúng mình và 3 người bạn là chị Minh, chị Hằng và Quyên vi vu khám phá Phú Yên nhé!
Buổi sáng xong mọi việc, trưa 1-2h chúng mình bắt đầu vi vu di chuyển bằng xe máy từ Hòa Xuân Đông, Đông Hòa cách trung tâm thành phố cũng hơn chục km. Cơ mà không thành vấn đề: "Đường có dài cơ mà ta còn trẻ, xăng thì rẻ nên là cứ vi vu thôi". Điểm đến đầu tiên mở ra trước mắt mình đó chính là Tháp Nghinh Phong.

THÁP NGHINH PHONG mang một vẻ đẹp độc lạ, phía sau là bờ biển xanh cát trắng trải dài. Tháp tọa lạc tại quảng trường Nghinh Phong ở nút giao thông đường Nguyễn Hữu Thọ - Độc Lập (TP Tuy Hòa). Tháp có thiết kế đặc biệt ấn tượng, lấy cảm hứng từ Ghềnh Đá Đĩa và truyền thuyết “Con Rồng Cháu Tiên”, tòa tháp đôi bên cao bên thấp tượng trưng cho Lạc Long Quân và Âu Cơ. Dưới chân mỗi tòa tháp là 50 khối đá xếp chồng lên nhau, tượng trưng cho “Trăm trứng trăm con” theo cha theo mẹ lên rừng xuống biển. Giữa hai cột tháp là phần khoảng trống thu hút nhiều bạn check in, về phần tường giữa hai cột đá được trang trí bằng các bức phù điêu hình ảnh về mảnh đất “Hoa vàng trên cỏ xanh”.
Khuôn viên quảng trường thoáng đãng, nhiều cây xanh đang được trồng thêm, trang trí hài hòa, có hình ảnh thu nhỏ của những điểm đến đặc trưng của mảnh đất thân thương như: Ghềnh Đá Đĩa, Mũi Điện…
Lang thang một vòng khuôn viên chụp ảnh quay video xong thì chúng mình tiếp tục di chuyển tới điểm đến thứ 2 cách Tháp Nghinh Phong tầm 8-9km.
CHÙA THANH LƯƠNG tọa lạc tại thôn Mỹ Quang Nam của xã An Chấn, huyện Tuy An. Là một trong những ngôi chùa nổi tiếng của tỉnh Phú Yên, Chùa Thanh Lương nổi tiếng với câu chuyện gắn liền với pho tượng Quan Thế Âm từ ngoài khơi trôi dạt về đây. Theo như dân gian truyền miệng lại, pho tượng sau khi trôi dạt về gần biển Hòn Dứa đã được người dân và nhà chùa tổ chức rước về chùa. Từ đó ngôi chùa ngày càng được chú ý và được nhiều du khách đến tham quan khám phá vẻ đẹp nơi đây. Một điều đặc biệt mình ấn tượng về Chùa Thanh Lương đó chính là ngôi chùa đầu tiên sử dụng san hô và gáo dừa để ốp mái cho Nhà Thờ Tổ.
Mình cảm nhận ở đây khá là yên tĩnh, khung cảnh trang trí hài hòa, bình dị. À, một điều đặc biệt khi đi ngang qua hồ nước chúng mình đã bắt gặp em rùa be bé nhìn cute thiệt sự, ngắm nhìn em nó được có chút xíu là lặn đi mất tiêu. Ở trong khuôn viên chùa mình thấy có khá nhiều là tượng phật, mỗi một tượng phật được thiết kế có một mã QR code riêng, khi chúng ta muốn biết thêm thông tin về tượng phật chỉ cần quét mã QR, rất là tiện lợi luôn.
Gợi ý cho bạn đọc một số hoạt động ở Chùa Thanh Lương: Thắp hương ở các điện, xin xăm, mua đồ lưu niệm, tham quan khuôn viên chùa… cuối cùng đừng quên chụp cho mình những tấm ảnh đẹp để làm kỉ niệm nhớ, rất nhiều view đẹp và bức tượng Phật giữa mặt hồ nước là một trong những điểm check in của rất nhiều du khách đến tham quan.
Tham quan xong chúng mình di chuyển đến điểm thứ 3.
BÃI XÉP cách Chùa Thanh Lương khoảng 1.5km, lúc chúng mình mò được đường tới cổng là bị trễ mất tiêu, anh bảo vệ không cho vô tham quan nữa dù chúng mình có xin anh. (Mình gần nhau đến thế nhưng chẳng thể tới được với nhau, thế là đành hẹn Bãi Xép dịp khác rồi). Thế nên lưu ý cho các bạn nếu đến tham quan Bãi Xép hãy đến trước 17h00 nhé.
Thực ra về đường đi chỉ cần đi 1 đường chính thẳng xuống từ Chùa Thanh Lương tầm khoảng 2km gặp khúc giao nhau ngã 3, rẽ phải lên là tới cổng vô Bãi Xép. Có một trải nghiệm thú vị với chúng mình đó là Google Maps chỉ vòng vòng đi đường hẻm vô nhà dân 2-3 lần luôn. Có chút hơi tiếc khi không vô được Bãi Xép tham quan, thôi thì trời cũng dần tối nên chúng mình quay ngược lại đường để về nhà, trên đường về la cà không quên ghé thăm Tháp Nhạn.

THÁP NHẠN trong tiếng Ê-Đê và Jarai gọi là Yang Kơ Hmeng nằm trên Núi Nhạn, là công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị lịch sử cao của người Chăm cũng là thắng cảnh tiêu biểu của Tuy Hòa. Tháp được người Chăm sinh sống ở lưu vực châu thổ Sông Ba xây dựng vào khoảng thế kỉ 12. Phần di tích kiến trúc Tháp Nhạn có 3 phần: Đế tháp, thân tháp và mái tháp với chiều cao 23,5 mét. Đế tháp hình vuông, thân tháp được xây to ở phần chân và thu nhỏ dần về phía đỉnh.

Về nguồn gốc của Tháp có rất nhiều tương truyền: Có người cho rằng, xưa kia có nàng tiên nữ Thiên Y A Na giáng trần chỉ dạy cho người dân sống ở vùng đất này tất cả mọi thứ từ cấy cày, dệt vải, kéo sợi…để tìm cách mưu sinh. Sau khi tiên nữ quay trở lại cõi tiên, người dân Chăm-pa vì thương nhớ và muốn khắc ghi công ơn người khai sáng cho dân tộc mình bèn xây ngọn tháp ấy để phụng thờ. Theo một truyền thuyết khác thì xưa kia, Tuy Hòa là vùng đầm lầy trũng thấp có nhiều thủy quái chuyên quấy phá đời sống người dân. Thấy vậy Ông Trời bèn sai người khổng lồ xuống gánh đất lấp vùng trũng, bảo vệ cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên khi lấp đã gần xong, người khổng lồ vội về nên đã gánh nhiều đá hơn làm chiếc đòn gánh bị gãy. Đá từ hai gánh rơi xuống một bên tạo thành núi Chóp Chài, một gánh tọa trên núi Nhạn.
Về tên gọi “Tháp Nhạn” được người dân ở đây giải thích là do có rất nhiều chim nhạn bay tới đây sinh sống, làm tổ nên ngọn tháp cũng được đặt theo tên của loài chim này.
Xung quanh Tháp Nhạn bạn có thể tham quan thêm khu trưng bày tượng, từ cổng vào tháp hướng chếch lên có thêm một ngôi mếu thờ, các bạn có thể lên thắp hương. Từ phía trên cao Tháp Nhạn nhìn xuống chúng ta có thể ngắm nhìn bao quát thành phố Tuy Hòa đẹp lung linh theo một cách riêng.
Trời đã tối, mà bất thình lình còn ham chơi thế là quyết định đi ăn no cái bụng trước, rồi tiếp tục la cà điểm đến cuối cùng trong ngày. Thực ra là ghé quán café gần nhà để chill đó mừ…
Trại Hoa Vàng Café tọa lạc tại 99 Võ Thị Sáu, Phú Đông, Tuy Hòa, Phú Yên.
Công nhận không gian ở đây làm mình ấn tượng thiệt sự, không gian xanh gần gũi với thiên nhiên, có những góc trưng bày đồ cũ. Vào buổi tối ở đây chill thiệt sự, lung linh ánh đèn, về thức uống ở đây giá cả hợp lý chẳng phải đắn đo. Một view trang trí có lẽ mình ấn tượng nhất là góc treo những tấm biển số xe của các tỉnh, ngó nghiêng thấy 47 là vui vui, mình được biết ý nghĩa chung của những tấm biển số xe là “SỰ XÊ DỊCH”. À còn một thông tin đặc biệt nữa là quán cũng đang sưu tầm thêm các biển số xe khác nữa cho đến khi nào treo kín hàng rào.

Ngồi chill chill ở quán chuyện trò cùng nhau. La cà tới 8-9h tối chúng mình mới chịu về nhà. Cảm ơn chị Minh Minh Cameramen trong suốt hành trình nè, cuối cùng là cảm ơn những người bạn đồng hành là chị Minh, chị Hằng và Quyên đã cùng nhau tạo nên những chuyến đi ý nghĩa giúp mình khám phá được nhiều điều thú vị về Phú Yên, cùng đón chờ tập 2 hành trình vi vu tiếp theo của chúng mình nhé.

Comments